Khu di tích lịch sử Cha Lo - Cổng Trời thuộc khu vực xã Dân Hóa, huyện Minh Hoá. Đây là điểm di tích lịch sử - văn hoá nằm trong hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh (tuyến đường 12A).
Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, vùng đất này thuộc huyện Minh Hoá nằm trong huyện Tuyên Hoá gồm 2 nguồn Cơ Sa và Kim Linh. Nơi đây, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã chứng kiến những kỳ tích của bao lớp người Việt Nam với những chiến công giàu tính huyền thoại. Đây không chỉ có địa hình hiểm trở mà còn rất đỗi hoành tráng, rực rỡ với những cảnh sắc của cây rừng chen chúc nhau tầng tầng lớp lớp: cây đoác, cây lau, nhất là giống chuối rừng ào ào nhô lên chiếm lĩnh tầng núi, những cây lim, cây táu, cây săng lẻ, cây huê, mun... vươn cao. Đặc biệt giống lan rừng bám trên cây chi chít ra hoa toả hương thơm ngào ngạt, nhiều giống tre, nứa song mây và nhiều loại dược liệu quí cùng các đặc sản rừng nhiệt đới khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng khi đến với Cha Lo - Cổng Trời.
Cha Lo - Cổng Trời với truyền thuyết về nàng Y Leng và chàng Thông Ma (tộc người Khùa, người Mày) yêu nhau say đắm nhưng không thành duyên và kết quả là ’’Cổng Trời’’ hiện lên do dân làng đặt tên cho 2 khối đá tự nhiên nằm một bên là vách núi đá cheo leo, một bên là vực thẳm đầy gai góc và đá tai mèo. Núi đá cao chênh vênh nhưng cũng rất nên thơ và huyền ảo. Cha Lo - Cổng Trời rất nổi tiếng vì nó là một di tích lịch sử thời kỳ chống Mỹ. Đây là điểm huyệt quan trọng của tuyến đường chiến lược 12A, nằm trong hệ thống đường Hồ Chí Minh. Trong những năm chiến tranh, giặc Mỹ đã dội xuống nơi đây hàng trăm ngàn tấn bom đạn để ngăn chặn các đoàn xe vận tải chi viện chiến trường Miền Nam. Trên khu vực Cha Lo - Cổng Trời, Khu vực đồi 37, Bãi Dinh, La Trọng... là những trọng điểm ngày đêm địch liên tục đánh phá. Nơi đây có các kho chứa xăng dầu, các kho hàng trung chuyển, các công sự ngầm đúc bằng bê tông kiên cố. Bên cạnh là Đồn Biên phòng Cha Lo, Tiểu đoàn 929 Bộ đội Biên phòng, Tiểu đoàn 14 Quân khu 4 đã chốt giữ để bảo vệ biên giới và an ninh khu vực. Đại đội 759 thanh niên xung phong cũng đã từng trấn giữ đoạn đường này và đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng. Đặt chân lên Cha Lo - Cổng Trời bạn sẽ gặp đầy ắp kỷ niệm: Cổng Trời vẫn đứng sừng sững hiên ngang, nghiêng lưng để che chở cho từng đoàn quân, đoàn xe vận tải lương thực, vũ khí đạn dược chi viện cho chiến trường Miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ. Vẫn còn đó trên đá những vết khắc ký hiệu của một chiến sĩ nào đó nhắn gửi đồng đội, câu khẩu hiệu ’’tim còn đập, đường không tắc’’. Bên trái đường không xa là một hang không sâu lắm, chỗ làm lễ ’’truy điệu sống’’ cho các chiến sĩ trẻ Đoàn 12 công binh trước đêm ra mặt đường. Trên những điểm di tích lịch sử văn hoá này trong suốt cả cuộc trường chinh đánh Mỹ của dân tộc ta, không ngày đêm nào không ngớt tiếng bom đạn Mỹ. Tiếng xe kéo pháo, tiếng xe chở hàng ra trận và cả bước chân của cả ngàn bộ đội, thanh niên xung phong từ hậu phương ra tiền tuyến. Cha Lo - Cổng Trời đã đi vào lịch sử với biết bao chiến công lẫy lừng của bộ đội, thanh niên xung phong anh hùng, những anh hùng liệt sĩ vô danh và đặc biệt lực lượng nữ thanh niên xung phong chiếm bộ phận lớn đã đóng góp và hy sinh thầm lặng cho đất nước nở hoa.
Ngày nay Cha Lo - Cổng Trời đã nhộn nhịp hơn trước. Nơi đây đã trở thành cửa khẩu Quốc tế của cả nước. Đường 12A đã được mở rộng hơn. Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cha Lo anh hùng vẫn có mặt ngày đêm để bảo vệ biên giới Tổ quốc. Khu Kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cha Lo được xây dựng khang trang để giao lưu kinh tế với các nước láng giềng.
Đến với Cha Lo - Cổng Trời hôm nay bạn sẽ được chứng kiến một khung cảnh đổi mới. Mời bạn đi thăm thú một vài bản văn hoá của người Khùa, Mày, Sách và thưởng thức các món ăn đặc sản, dự các lễ hội của các dân tộc như lễ hội Rằm tháng 3, lễ mừng cơm mới, lễ buộc chỉ cổ và tay của người Khùa... Và hơn thế nữa du khách sẽ được ngắm nhìn thiên nhiên kỳ thú của núi rừng Trường Sơn hùng vỹ và sẽ được sống lại một thời oanh liệt của mảnh đất đầy kỳ tích lịch sử Cha Lo - Cổng Trời này.